Thập mục ngưu đồ

Thập mục ngưu đồ (zh. 十牧牛圖, ja. jūgyū-no-zu) là mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Mười bức tranh này có thể xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Đại thừa.

Các bức tranh chăn trâu được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức hoạ tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tuỷ của Thiền Trung Quốc. Có nhiều bộ tranh - có thuyết nói là bốn, thuyết khác nói là 5, 6 chăn trâu khác nhau - nhưng có lẽ nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất là bộ với mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn

Con trâu tượng trưng cho cái tâm của chúng sinh, cái tâm ấy là cái tâm vọng tưởng, tâm phân biệt, chất chứa đầy phiền não, mê lầm và dục vọng. Chúng sinh lấy giáo pháp chân chính của đức Phật để chữa trị các sự mê lầm và dục vọng này thì cũng tương tự như người mục đồng trị con trâu hoang dã đầy tật chứng vậy!




























Tranh Đại thừa: 1: Vị mục (Chưa chăn). 2: Sơ điều (Mới chăn). 3: Thọ chế (Chịu phép). 4: Hồi thủ (Quay đầu). 5: Tuần phục (Vâng chịu). 6: Vô ngại (Không ngại). 7: Nhiệm vận (Tha hồ). 8: Tương vong (Cùng quên). 9: Độc chiếu (Soi riêng). 10. Song dẫn (Dứt cả hai) với bức tranh vòng tròn.

Tranh Thiền Tông: 1: Tầm ngưu (Tìm trâu). 2: Kiến tích (Thấy dấu). 3: Kiến ngưu (Thấy trâu). 4: Đắc ngưu (Được trâu). 5: Mục ngưu (Chăn trâu). 6: Kỵ ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà). 7: Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người). 8: Nhân ngưu câu vong (Người trâu đều quên), với bức tranh vòng tròn. 9: Phản bổn hoàn nguyên (Trở về nguồn cội). 10: Nhập triền thùy thủ (Thõng tay vào chợ).

Ban đầu thì Đại sư Thanh Cư chỉ vẽ ra 8 bức, đến mục "Một vòng trắng" không còn trâu, không còn người chăn, tượng trưng cho tâm và pháp cả hai đều hết, pháp là dụ cho trâu, tâm là dụ người chăn. Về sau Thiền Sư Tắc Công e hàng sơ căn dễ rơi vào thường kiến nên họa thêm mục chín là: "Phản bổn hoàn nguyên", vẽ lá rụng về cội, chim bay về tổ rồi làm kèm bài tụng. "Phản bổn hoàn nguyên" là tìm thấy được bản lai diện mục, nói lên ý nghĩa là hành giả đã vào được cảnh giới của Phật. Cuối cùng Thiền Sư Từ Viễn thêm vào mục thứ mười là "Thõng tay vào chợ" để tiêu biểu công hạnh giáo hóa chúng sanh của bậc viên mãn vẫn còn hành bồ tát đạo.

Dưới đây là 10 bức tranh chăn trâu, trâu chuyển dần từ đen (trâu đen tức là tâm còn buông thả) sang trắng (tâm được thuần phục dần).

Tranh 1. Tìm trâu

Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.

Thật ra con trâu chẳng bao giờ thất lạc. Nó vẫn sờ sờ ra đó, đâu phải kiếm tìm? Chẳng qua chỉ vì ta rời xa thực tướng cuả mình nên ta không hề thấy nó. Trong sự mê muội của sắc tướng mà ta mất dấu vết của nó.
Ở xa căn nhà, ta thấy nhiều ngỏ đan nhau, nhưng đâu là con đường chính. Lòng tham và sợ hãi, tốt và xấu ràng buộc lấy ta.




Tranh 2. Thấy dấu

Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sâu lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi.

Hiểu được lời dạy, ta thấy dấu chân của trâu. Rồi ta biết rằng, như nhiều dụng cụ được chế từ kim lọai, muôn vàn sắc tướng đều do ngã tạo ra.
Làm sao ta thấy được thực và ảo nếu ta không phân biệt? Khi chưa vào được cửa, hẳn nhiên ta phải tìm cho ra con đường

Tranh 3. Được trâu

Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
Chỉ thế không nơi xoay trở lại
Đầu sừng rành rõ vẽ khôn thành

Dùng hết thần công bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ì

Nó sống trong rừng đã lâu, nhưng ta bắt được nó hôm nay! Sự đắm say cảnh sắc đã làm nó lạc đường. 
Vì ham muốn cỏ ngon hơn, nó lang thang phiêu bạc. 
Tâm của nó còn bướng bỉnh và không chịu thuần phục. Nếu muốn nó nghe lời, ta phải dùng roi.





Tranh 4. Chăn trâu

Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần

Trâu bị kiềm chế bấy giờ có lẽ đã đau đớn vì bị dây vàm kéo lỗ mũi, lại sợ lãnh thêm những đòn roi, nên bắt đầu dần dà chịu phép, chịu khuất phục.
Trâu bị giơ roi dắt đi, nhưng đầu đã sạch trắng ra. Tuy là trâu hết chạy tới chạy lui hung hăng hùng hổ, nhưng trẻ chăn trâu vẫn phải nắm chặt sợi dây vàm xỏ mũi mà kéo nó đi, chưa dám buông thả, tay chưa dám bỏ cây roi.
Chú dắt trâu đi nhẹ nhàng, không còn phải dùng sức lực lôi kéo hay roi vọt đánh đập nữa.

Tranh 5. Thuần phục

Đến đây là đươc chút nhàn rỗi vì đã tu được nửa chặng đường rồi, ít còn phải dụng công nhiều nữa.
Người luyện tâm lúc này đã hoàn toàn điều phục được tâm ý mình và sống trong tỉnh thức.
Tâm ý đã thanh tịnh, người tu thật an lạc, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống.
Thấy ra tu là hướng nội, là chuyển chính nội tâm mình trở nên thanh tịnh tốt đẹp, không phải là chuyển cảnh vật bên ngoài theo ý mình.




Tranh 6. Cỡi trâu về nhà

Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à

Cởi trâu, ta thong thả quay về nhà. Tiếng tiêu của ta réo rắc chiều tà. Ngón tay láy nhịp, ta hòa điệu không ngừng.
Ai nghe nhạc khúc du dương này xin tấu cùng ta.
Cuộc tranh đấu đã qua; được hay thua đều không khác. 
Ta hát bài ca của tiều phu và thổi điệu đồng giao. Cởi trâu, ta ngắm mây trôi bồng bềnh. 
Ta đi tới dù ai có gọi giật lại.

Tranh 7. Quên trâu còn người

Cưỡi trâu về thẳng đến gia san
Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng

Pháp bất nhị. Ta chỉ tạm mượn chuyện trâu. Nó cũng như sự tương quan giữa thỏ và bẫy, giữa cá và lưới, giữa vàng và cặn, hay trăng vừa ló khỏi mây. 
Một tia sáng xuyên suốt vô thỉ vô chung.
Ta điều phục tâm nhưng thật ra chẳng có chi để điều phục.
Bởi tánh giác là của ta, theo ta suốt dọc đường sinh tử.
Giờ ta có thể ung dung tự tại với tánh giác của ta, bỏ mặc roi thừng là thứ tạm bợ.




Tranh 8. Dứt cả hai

Roi gậy, người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
Đến đó mới hay hiệp Tổ Tông

Vòng tròn tượng trưng cho “Viên Giác”.Trâu và người chăn, tâm và cảnh dứt hết là hiển hiện ánh chân như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn.
Nhiễu sự đã qua.Tâm không còn chướng ngại. Ta không mong cầu cõi giác ngộ.Ta cũng không trú vào nơi không giác ngộ. 
Vì ta không vướng mắc vào cả hai, mắt không hề nhìn thấy ta. Nếu hàng vạn chim cúng hoa trên đường ta đi, sự tán thán đó cũng chỉ là hư vô.

Tranh 9. Trở về nguồn cội

Phản bản hoàn nguyên đã phí công
Đâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng

Ngay từ ban đầu, chân lý đã sáng tõ. Qua thiền định, ta quán đến sắc tướng hợp tan.Cội nguồn là tâm thể chân thật, nó vốn sẵn như vậy, không cần phí công để tìm, không cần phí sức để trở lại.
Thấy nghe mà không phân biệt tốt xấu, hay dở, cũng giống như mù như điếc nên nói mù câm.
Trong am là chỉ cho tâm thể thênh thang trùm khắp không có một vật gì ngoài nó. Chừng đó mới thấy tự tại, thấy nước mênh mông, thấy hoa tự nở hồng nở tía mà không bận tâm không vướng mắc.
Đó là phản bổn hoàn nguyên, gọi là vào cảnh giới Phật




Tranh 10. Thỏng tay vào chợ

Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành

Thiền Sư mặc áo bày ngực, chân không dày dép đi vào chợ để làm những việc rất tầm thường như người đời. Miệng cười hỉ hả, không cần gìn giữ giới hạnh mẫu mực của người tu, không thuyết giảng giáo lý cao sâu mầu nhiệm.
Chỉ làm con người rất bình thường để dạy cho những người bán cá, bán thịt ở ngoài chợ, ở quán rượu, là những con người không có chút đạo đức, khiến cho họ có chút đạo đức biết tu hành.
Đó là trọng trách giáo hóa của người tu đã đến chỗ viên mãn.Chỗ này là chỗ thiết yếu, hành giả cần phải hiểu cho rõ, người tu sau khi vào cảnh giới Phật tức là đã triệt ngộ, rồi mới vào cảnh giới ma để lăn xả vào đời, làm lợi ích cho đời.





Điều chỉnh và bổ túc 10 bức tranh chăn trâu HT Thích Thanh Từ



No comments:

Post a Comment